Mới Cập Nhật :

LỜI CHÚA HÀNG NGÀY

TNTT Tân Lộc - Đoàn Phê-rô Nguyễn Khắc Tự

SUY NIỆM THỨ 2 SAU CN4TN - THUỐC TRỪ QUỶ

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012



IV TN / B ( Mc. 1: 21- 28 )

THUỐC TRỪ QUỶ

“ Câm đi! Hãy xuất ra khỏi người này”.
 Đó là lời quát mắng của Chúa Giêsu với quỷ ô uế trong bài Tin Mừng theo Thánh Máccô ( 1: 21-28), Chúa Nhật IV, mùa Thường niên, năm B.

Sau khi xuất khỏi người thanh niên, quỷ ô uế bực tức về báo với quỷ đại ca:
- Đại ca tính sao đây! Cứ tình trạng này, chắc bọn mình hết đất sống!
Sau khi nghe quỷ ô uế trình bày sự việc, quỷ đại ca quyết định mở một buổi họp.
Khi các quỷ đã tụ tập đầy đủ, quỷ đại ca bắt đầu:
- Trước khi đi vào nội dung chính của buổi họp. Tất cả tụi bay hãy nghe thằng ô uế tường trình lại sự việc mà hắn vừa trải qua. Thằng ô uế! Mày báo cáo lại đi!
Quỷ ô uế thuật lại:
-  Tui đang nhập vào một thằng thanh niên. Công việc tiến triển tốt đẹp, thì hôm nay, thình lình người ta dẫn thằng thanh niên ấy đến với Ông Giêsu. Biết Ông ta nhận ra tui nơi người thanh niên kia, tui lên tiếng trước: “ Này Ông Giêsu Nagiarét! Chuyện chúng tôi liên quan gì đến ông mà Ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nghe tui nói thế, Ông ta quát mắng, đuổi tui: “ Câm đi! Hãy xuất khỏi người này!” Thế là tui một mạch chạy về đây. Còn nữa, từ ngày Ông Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng cái mà Ông ta gọi là Tin Mừng gì đó và kêu gọi sám hối, ăn năn và tin vào Tin Mừng, thì dân chúng nghe theo Ông ta nhiều lắm. Theo tui thấy, cứ tình trạng này chắc bọn mình hết đất sống. Bọn loài người bây giờ rủ nhau vào thiên đàng hết thì hỏa ngục của bọn mình chắc vắng tanh! Tui xin hết.
Cả bọn im lặng một hồi lâu, thấy vậy, quỷ đại ca lên tiếng:
-  Tụi bay nghĩ sao về chuyện thằng ô uế vừa mới nói? Có thật loài người bây giờ chúng nó đang rủ nhau vào thiên đàng không? nếu đúng như thế thì phải có cách nào để lôi chúng nó xuống hỏa ngục chứ?
Cả đám quỷ vẫn im lặng như đang tìm một phương kế. Bổng có một thằng quỷ đưa tay xin phát biểu:
-  Đại ca! Cho tui có ý kiến: Tại sao tụi mình không rỉ vào tai loài người chúng nó rằng chỉ có thiên đàng, không có hoả ngục, như thế chúng nó sẽ chẳng còn bận tâm  gì đến việc lên thiên đàng, sẽ an tâm tự mãn : Không có hoả ngục, chỉ có thiên đàng thì việc gì phải khổ cực đi tìm thiên đàng! Cứ thoải mái mà sống. Chẳng việc gì phải lo!
Bọn quỷ nhao nhao vỗ tay tán thưởng; nhưng quỷ đại ca xua tay bảo:
-  Không được! Tụi bay không hiểu gì hết về loài người chúng nó. Chúng nó không bao giờ thèm tin những điều khờ khạo như vậy đâu. Ngay từ nhỏ, mỗi khi chúng nó làm gì sai trái, chúng nó đã nghĩ đến thiên đàng- hỏa ngục. Chúng nó biết điều gì tốt, điều gì xấu, cái gì được làm, cái gì không được làm. Chúng nó không dễ tin để bị lừa như thế đâu! Có đứa nào có ý kiến gì khác không? Động não lên chứ!
Một thằng quỷ khác giơ tay xin phát biểu:
- Đại ca! tui xin có ý kiến: Hay là tụi mình rỉ vào tai chúng nó rằng chỉ có hoả ngục, không có thiên đàng; như thế chúng nó sẽ chẳng thiết tha gì đến việc ăn ngay ở lành. Thế là chúng nó tha hồ mà đi bia ôm, xì đế ôm, võng ôm, vườn ôm… tha hồ cướp bóc, tham những, ăn hối lộ… tha hồ chém giết, đấm đá lẫn nhau… Thế là số người xuống hoả ngục càng ngày càng đông.
Tất cả bọn quỷ vỗ tay khen ý kiến hay, nhưng quỷ đại ca vẫn chưa bằng lòng:
-  Đầu óc tụi bay mù mẫm hết cả rồi. Hai ý kiến tụi bay đưa ra cũng không có gì khác lạ, hấp dẫn. Chỉ có thiên đàng hay chỉ có hỏa ngục thì cũng là một. Tụi bay không biết là Thiên Chúa đã gieo vào lòng loài người chúng nó một một niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp. Dù cho chúng nó có quên lãng, sa sút, nhưng chúng nó vẫn trông đợi ngày ấy. Động não lên nào!
Quỷ đại ca vừa dứt lời, thì có một thằng quỷ khác đưa tay phát biểu:
-  Tui có đề nghị như thế này: Bây giờ chúng ta sẽ rỉ tai loài người chúng nó rằng có thiên đàng, có hỏa ngục; nhưng ngày tận thế còn xa, đời còn dài, việc gì phải lo xa, cần chi phải vội vàng! Hãy cứ  thong thả, hãy  cứ tà tà…
Nghe đến đây, quỷ đại ca đứng phắt dậy:
- Hay! Hay! Tụi bay mau chóng hành động ngay. Cứ để cho loài người chúng nó tin có thiên đàng, có hỏa ngục. Điều quan trọng là tụi bay hãy rỉ vào tai chúng nó rằng không có gì phải lật đật, không có gì phải vội vã.  Ngoài những việc củ rích như bia ôm, xì đế ôm hay gì gì ôm nữa, tụi bay còn phải biết hiện đại hóa cách rỉ tai, biết lợi dụng những phát minh khoa học như Internet… Cứ chờ mà xem!

Trên đây là một câu chuyện giả tưởng; nhưng thực tế, có thật có quỷ không? - Có đấy!
Bị con rắn cám dỗ, bà Evà đã sa ngã và kéo thêm cả ông Ađam.
Chúa Giêsu, trong hoang địa, đã ba lần chịu cám dỗ và Ngài đã chiến thắng.
Trong cuốn Tin Mừng của mình, Thánh Matthêu đã ghi lại bảy lần Chúa Giêsu trừ quỷ; Thánh Máccô, năm lần; Thánh Luca, bốn lần.

Trong các sách Tin Mừng, cũng có ghi lại những lời quỷ nói:
. Thần ô uế thét lên:“ Hỡi ông Giêsu Nagiarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
. Tại Giêrasa, từ hai người bị ám từ mồ mả đi ra, quỷ lên tiếng : “Lạy ông Giêsu,  Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?” Các quỷ nài xin Ngài: “Nếu ông đuổi chúng tôi khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo”.

Tên gọi quỷ được Chúa Giêsu thường gọi nhiều lần là Satan, và tên gọi được dân chúng truyền tụng là  quỷ Belgiêbút. Có lẽ đây là tên quỷ cấp cao! và còn có nhiều tên gọi khác, chẳng hạn quỷ nhập vào người câm điếc thì gọi là quỷ câm điếc, hay vào người phong cùi, thì có tên là quỷ phong cùi, quỷ nhóc, quỷ cơ binh… Quỷ cũng có nhiều đẳng cấp thì cũng có nhiều thế lực khác nhau. Quỷ trung ương, quỷ địa phương!
Bảy mối tội đầu có lẽ cũng là tên của những quỷ có đẳng cấp trong thế giới quỷ chăng!
Và để giúp những người không may bị quỷ ám hay bị quỷ nhập, Giáo hội cũng có một phép, gọi là phép trừ tà hay phép trừ quỷ.

Như thế, quỷ có thật, là một hữu thể hiện hữu giữa thế gian. Quỷ là loại thiên thần hư hỏng, đã bị Thiên Chúa phạt, đày xuống hỏa ngục. Chúng hoạt động tinh vi, khôn khéo đến nỗi con người cứ tưởng chúng là do óc tưởng tượng bày ra.
Nơi cuộc sống trần gian, luôn có sự đối kháng giữa cái tốt và cái xấu, giữa điều lành và điều dữ, giữa cái thiện và cái ác, giữa thánh thiện và tội lỗi…
Đường lối hoạt động của quỷ là cám dỗ con người sống theo ý muốn, sở thích riêng của mình thay vì thực thi thánh ý của Thiên Chúa, là tìm cách phá đi những gì Thiên Chúa muốn bồi đắp nơi con người, là dụ dỗ con người tránh con đường chật hẹp hy sinh, hãm mình để bước vào con đường thênh thang với nhiều cuốn hút của dục vọng, lạc thú và danh lợi.
Có một thế lực luôn chống phá như thế, nên con người, nhất là Kitô hữu, cần phải cảnh giác, thức tỉnh để đương đầu với thế lực ấy.

Thái độ của Chúa Giêsu đối với quỷ là thẳng thắn, dứt khóat, không khoan nhượng: Hãy cút đi! Hãy xéo đi! Hãy câm đi! Đây cũng là một bài học cho chúng ta khi phải đối đầu những cơn cám dỗ, thử thách. Không chần chừ: Để ngày mai hãy tính! Không khoan nhượng: Một lần thì đã có sao! Không lập lờ: Vì thân phận con người yếu đuối!...

Satan và tập đoàn quỷ là những tên cám dỗ; và tất cả những ai tìm cách ngăn cản anh em mình thực hiện bổn phận làm con cái Thiên Chúa, ngăn cản việc thi hành sứ mệnh của Ngài, thì cũng là những người đang toa rập với mưu kế của Satan. Thánh Phêrô đã bị Chúa Giêsu quở mắng là Satan, khi ông tỏ ý ngăn cản Ngài đi vào con đường khổ nạn để cứu chuộc loài người.

Quỷ hoành hành như thế, nhưng chưa thấy đài truyền hình nào quảng cáo thuốc trừ quỷ, cũng chưa nghe người bán thuốc dạo nào rao: Ai mua thuốc trừ quỷ không?  Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một bài thuốc trừ quỷ.

Một lần kia, các môn đệ hỏi riêng Chúa Giêsu: “Tại sao chúng con không thể trừ thứ quỷ ấy được?” Ngài đã trả lời cho các ông: “Vì các con yếu lòng tin!... Thứ quỷ ấy chỉ bị xua trừ bằng lời cầu nguyện và việc ăn chay”. Đó là bài thuốc trừ quỷ Chúa chỉ cho chúng ta để lướt thắng những cám dỗ của tập đoàn quỷ Satan và của chính bản thân chúng ta như Ngài đã chiến thắng Satan nơi hoang địa vậy.

Lm. Giuse Trịnh Ngọc Danh

CHÚA NHẬT 4 TN-NĂM B: NGÔN SỨ ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA

 Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC 1: Dnl 18,15-20
Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “15 Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), Đức Chúa , Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy.16 Đó chính là điều mà anh (em) đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội; anh (em) đã nói: "Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết."17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: "Chúng nói phải.18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. 20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.”
ĐÁP CA: Tv 94
Đ. 7b Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!
8a Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng.
1 Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, 2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. 7a Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
7b Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! 8 Người phán:  Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
BÀI ĐỌC 2: 1Cr 7,32-35
Thưa anh chị em, 32 tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người.33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ,34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 4,16
Hall-Hall: Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Hall.
TIN MỪNG: Mc 1,21-28
 21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! "26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! "28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê. 
BÀI GIẢNG
NGÔN SỨ ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA
Giáo huấn của Hội Thánh qua các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay soi sáng cho chúng ta nhận ra chân dung của Vị Ngôn Sứ đích thực được Chúa sai đến với loài người. Có bốn điểm đặc biệt cho ta nhận ra chân dung người Ngôn Sứ.
-      Lời Ngôn Sứ của Chúa Giêsu là Lời toàn năng.
-      Ngôn Sứ của Chúa Giêsu chỉ tìm thấy trong Hội Thánh.
-      Vị Ngôn Sứ đích thực làm rồi mới dạy.
-      Hiến dâng trọn đời để phục vụ Nước Thiên Chúa.
I. LỜI NGÔN SỨ CỦA CHÚA GIÊSU LÀ LỜI TOÀN NĂNG
Ngay sau khi nguyên tổ Adam, Evà gạt bỏ lệnh truyền của Thiên Chúa mà làm theo ý satan, đã làm cho loài người phải đặt dưới quyền thống trị của nó, họ rất sợ nghe tiếng Chúa. (x St 3,8-10) Điển hình như người bị qủy ám, vừa nghe tiếng Chúa giảng trong hội đường, làm nó run rẩy tru trếu thét lên hòng trốn thoát: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24: Tin Mừng)
Vì thế, Chúa phải hứa ban cho dân một vị ngôn sứ như ông Môsê: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” (Dnl 18,18)
Từ bấy giờ, dân Chúa mong đợi vị ngôn sứ mà Chúa đã hứa cho dân, như có lần họ hỏi ông Gioan Bt: “Ông có phải là một ngôn sứ không ?” Ông đã phủ nhận. (x Ga 1,21.25) Rồi người ta thấy các phép lạ Đức Giêsu làm, họ liền xác nhận: “Hẳn Ngài là vị ngôn sứ, Đấng phải đến trong thế gian.” (Ga 6,14)
Thực ra lúc ấy có rất nhiều người, trong số đó có cả các Tông Đồ, dù họ nhìn nhận Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ nhưng không ai khiếp sợ, vì họ không biết rõ Ngài là Thiên Chúa, chỉ biết chắc Ngài là con bác thợ mộc miền Nadarét. Vả lại lúc ấy cũng chưa có Lời Chúa đúng nghĩa được ban cho loài người, Lời Con Thiên Chúa chỉ được ban cho nhân loại trong giờ Tử nạn của Ngài, như Ngài nói: “Này là Giao ước mới trong Máu Ta, đổ ra vì nhiều người” (Mc 14,24). Và chỉ sau khi Đức Kitô từ cõi chết sống lại vào ngày lễ Ngũ Tuần (Lễ Hiện Xuống), Chúa Giêsu về trời sai Thánh Thần đến với các Tông Đồ, để soi lòng mở trí và ban nghị lực cho các ông chính thức giảng Lời Chúa (x Cv 2).
Thực vậy loài người không ai được trực tiếp nghe tiếng Chúa Giêsu bằng lỗ tai xác thịt của mình, vì khi Ngài còn nơi dương thế, chẳng ai tin Ngài là Thiên Chúa, và Đức Giêsu cũng chẳng viết để lại cho ta một chữ nào. Bốn Tin Mừng đã ghi lại việc Thầy làm và Lời Thầy giảng, nhưng  không giống nhau, mỗi Thánh Ký tường thuật lại theo sự hiểu biết riêng của mỗi tác giả dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Đan cử như Matthêu ghi Đức Giêsu thắng ma quỷ ở trên núi (x Mt 4,8t) ; trong khi đó Luca lại ghi Ngài thắng ma quỷ ở nóc Đền Thờ (x Lc 4,9t). Hoặc Matthêu ghi sau khi Đức Giêsu về Trời, các môn đệ đi khắp thế gian, ban Thánh Tẩy và giảng dạy (x Mt 28,18t) ; trong khi Luca lại ghi các môn đệ hằng ngày ở trong Đền Thờ chúc tụng Thiên Chúa  (x Lc 24,53). Như vậy,  mỗi Thánh Ký nhìn việc Đức Giêsu làm và nghe lời giảng dạy của Ngài, họ lại viết giáo lý tùy theo chủ đích Thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng.
Ngày nay với Đức Tin và lòng Mến, chúng ta được hiệp dâng Thánh Lễ là được trực tiếp nghe Lời Chúa Giêsu giảng dạy (x Dt 1,1-2). Đây là Lời quyền năng biến dữ ra lành, tội ra ơn, chết ra sống. Thực vậy “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,16: Tung Hô Tin Mừng), lại còn được đón nhận Thịt Máu Chúa Giêsu là đón nhận trọn vẹn Chúa Giêsu Phục Sinh để trở nên cùng một sự sống với Thiên Chúa (x Ga 6,57), nhờ đó chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,16).
II. NGÔN SỨ CỦA CHÚA GIÊSU CHỈ TÌM THẤY TRONG HỘI THÁNH
Chúa phán với ông Môsê: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” (Dnl 18,18-20: Bài đọc I). Do đó giáo huấn của CĐ Vat.II trong Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám mục số 14 dạy: “Các Giám mục phải loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Chúa Kitô, đây là một nhiệm vụ trổi vượt trên các nhiệm vụ chính yếu của các ngài. Các Giám mục phải lo lắng để việc tổ chức dạy giáo lý được thực hiện chu đáo cho các thiếu nhi, cho thanh thiếu niên và cả những người trưởng thành. Dạy giáo lý phải dựa trên năm nền tảng sau :

1.      Thánh Truyền: Niềm tin truyền thống trong Hội Thánh, bắt nguồn từ các Tông Đồ rao giảng. Do đó Thánh Truyền có trước Thánh Kinh Tân Ước và phong phú sinh động hơn Giáo lý bằng văn tự (Thánh Kinh.)  Ví dụ thầy giáo giảng bài thì phong phú hơn bài thầy viết.
2.      Thánh Kinh: Lời Chúa được Thánh Thần mạc khải cho các Thánh Ký viết tóm tắt lại lời giảng của các Tông Đồ dựa trên việc làm và lời giảng dạy của Thầy Giêsu và dĩ nhiên chỉ viết điều Thiên Chúa muốn, cũng như chỉ được Thần hứng trong lúc viết sách và được Hội Thánh nhận vào Sổ Bộ Thánh Kinh: Cựu Ước có 46 cuốn, Tân Ước có 27 cuốn.
3.      Phụng Vụ: Những chân lý siêu hình được diễn tả qua các nghi thức, dấu chỉ trong Phụng Vụ, và lời cầu nguyện của Hội Thánh.
4.      Giáo huấn của Các Công Đồng Chung: Các Văn Kiện của Hội Thánh, đặc biệt là  các quyết định của Công Đông Chung và Giáo Luật, được Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh, Ngài luôn hướng dẫn làm cho Hội Thánh trẻ trung và phát triển tuỳ theo thời đại. Như Đức Giêsu đã nói với các Tông Đồ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,12-13). 
5.      Giáo Luật: Những chỉ dẫn Mục Vụ trong đời sống Hội Thánh.
Đặc biệt trong Thánh Lễ phải giảng đúng Luật của Hiến Chế Phụng Vụ :
-      Khi cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh  giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, Hội Thánh đã trích từ Kinh Thánh  những Bài đọc để diễn giải trong Bài giảng” (số 24).
-      Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và các quy tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm phụng vụ. Bài giảng rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ (số 52).
-      Bài giảng thuộc phần hoạt động của Phụng Vụ, nên phải có thời giờ thích hợp để giảng giải…Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với Nghi Lễ. Tiên vàn bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh Thánh và Phụng Vụ, vì như thế là rao truyền việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ (số 35).
Như vậy bài giáo lý hay bài giảng đúng Luật Hội Thánh dạy mới đích thực là Lời Chúa, còn chỉ chộp một đoạn Kinh Thánh để trổ tài hùng biện thì chẳng hơn gì mục sư Tin Lành.
III. VỊ NGÔN SỨ ĐÍCH THỰC LÀM RỒI MỚI DẠY
Ông  Môsê đưa ra câu hỏi và trả lời: “Có khi anh (em) sẽ tự hỏi: “Làm sao chúng tôi biết được lời nào là lời ĐỨC CHÚA đã không phán ?” Nếu điều ngôn sứ nói nhân danh ĐỨC CHÚA không ứng nghiệm, không xảy ra, thì không phải là lời ĐỨC CHÚA đã phán ; ngôn sứ đã nói càn, anh (em) không phải sợ ngôn sứ ấy.” (Dnl 18,21-22).   
Thực vậy, muốn giảng Lời Chúa có uy quyền, lôi cuốn người nghe như Đức Giêsu, thì tốt  nhất chân lý ấy đã ứng nghiệm nơi bản thân người giảng, như Đức Giêsu nói khi Ngài vào hội đường đọc sách Isaia : “Hôm nay ứng nghiệm (nơi tôi) đoạn sách tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4,16-21). Nói cách khác, “Ngài làm rồi mới dạy” (Cv 1,1). Vì thế Lời Ngài có uy quyền, chứ không như các luật sĩ và biệt phái, “họ dạy mà không làm, họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính  họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,3-4).
Lần kia tôi hỏi một em bé: Con thích gì? Thưa con thích lớn lên làm bố. Tại sao? Thưa bố con chiều nào cũng ngồi chơi cờ bạc, mà bố cứ giục con phải đi Lễ, không đi thì bị đòn! Bố lại được quyền bắt con phải chăm chỉ học hành và phụ giúp mẹ, trong khi bố chẳng làm gì giúp mẹ ; trên tay bố lúc nào cũng có điếu thuốc, và hay bắt mẹ mua “mồi” cho bố uống rượu!
Các môn đệ theo Đức Giêsu cũng chỉ có danh là Tông Đồ khi họ làm rồi mới dạy (x Mc 6,30)
Vị ngôn sứ làm rồi mới dạy là người hoàn hảo đối với Thiên Chúa, họ khác hẳn với thầy chiêm tinh, tướng số, phù thủy (x Dnl 18,13-14). Vì thế giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1548 dạy: “Các Thừa tác viên của Chúa Kitô thật ra đảm  nhận cương vị thánh thiêng của Người. Bởi vì vị này nhờ sự thánh hiến Linh mục mà ông đã lãnh nhận, ông được đồng hóa với Vị Thượng Tế và ông được quyền hành động với quyền năng và cương vị của chính Đức Kitô. Đức Kitô là nguồn mạch mọi chức tư tế: vì vị tư tế của Luật cũ là hình bóng của Người ; còn vị tư tế của Luật mới hành động trong cương vị của Đức Kitô”.
Vị Ngôn Sứ Giêsu trong Tin Mừng hôm nay minh họa rất sống động về chân lý này: Vào thời Đức Giêsu, phù thủy nào cao tay trừ được qủy, thì họ phải nói tên qủy trước, nếu để qủy làm chủ tình thế gọi tên phù thủy trước, thì phù thủy sẽ lúng túng và bất lực. Nhưng ông Marco ghi nhận: mặc dù qủy nói trước lý lịch Đức Giêsu: “Hỡi ông Giêsu Nadarét,” thế mà nó vẫn bị Ngài quát bảo: “Câm đi” và Ngài đã trục xuất nó tức khắc: “Ra khỏi người này” (Mc 1,25: Tin Mừng). Bởi thế ta cứ đọc, cứ nghe Lời Chúa, dù chưa hiểu, nhưng quỷ nghe được Lời Chúa là vội vàng tháo chạy, thế là cũng đã hạnh phúc cho ta lắm rồi, nhất là khi tham dự Thánh Lễ, ta được trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x Dt 1,1-2), chẳng còn sự ác hay quỷ ma nào dám bén mảng tới ta nữa.
IV. HIẾN DÂNG TRỌN ĐỜI CHO VIỆC PHỤC VỤ NƯỚC THIÊN CHÚA
Thánh Tông Đồ lên tiếng khuyên các tín hữu một điều tốt: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người.33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ,34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.” (1Cr 7,32-34: Bài đọc II).
Để sống được lời khuyên của thánh Tông Đồ như trên, tất yếu ta phải có lòng yêu mến Chúa và đồng loại cách dồi dào, mới có thể đáp ứng lời mọi gọi tha thiết của Chúa: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng.” (Tv 95/94, 7b.8a: Đáp ca).
Hội Thánh dựa vào ý của Tông Đồ Phaolô cũng là ý của Thiên Chúa, mà cổ võ các tu sĩ sống độc thân như một kỷ luật rất nghiêm minh: “Đức trinh khiết vì Nước Trời của các tu sĩ đã khấn, phải được qúy trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Thật vậy, ơn ấy giải thoát con người cách đặc biệt để mến Chúa nồng nàn và yêu người nhiều hơn. Vì thế đức trinh khiết là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời, và cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ. Do đó, họ gợi ra trước mặt mọi Ki-tô hữu sự kết hợp lạ lùng do Thiên Chúa thiết lập, và sẽ tỏ hiện đầy đủ đời sau là Hội Thánh được Chúa Ki-tô làm Lang Quân độc nhất của mình.” (Đức Piô XII, ngày 25/3/1954).
Và Công Đồng Vat.II trong Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục số 10 dạy: “Sự tiết dục hoàn toàn về Nước Trời luôn luôn được Hội Thánh đặc biệt qúy trọng và coi như dấu chỉ và động lực của bác ái, như nguồn mạch đặc biệt sinh nhiều ơn ích thiêng liêng trong thế giới.”
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu làm rồi Ngài mới dạy! (Cv 1,1)

  

CON THÁNH THIỆN NHỜ CHA MẸ HIỀN ĐỨC



E-mailPrint
... Ngày 20-9-1970, Đức Thánh Cha Phaolô VI (1963-1978) tuyên phong thánh nữ (Têrêxa Giêsu) Têrêxa thành Avila (1515-1582) Tiến Sĩ Hội Thánh. Cùng với thánh nữ Catarina thành Siena (1347-1380), đây là 2 vị nữ Tiến Sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo. Sau đó thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU và Nhan Thánh (1873-1897) được Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) tuyên phong Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19-10-1997. (Song Thân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu được nâng lên bậc Chân Phước vào Ngày Khánh Nhật truyền giáo 19-10-2008).
Trong quyển ”Tự Thuật” hoàn thành năm 1562, thánh nữ Têrêxa Avila hết lời ngợi khen và ghi ơn công đức của hai Đấng Sinh Thành. Chính nhờ hấp thụ nền giáo dục thánh thiện của các ngài mà thánh nữ Têrêxa Avila đã tiến bước trên đường nhân đức, vượt thắng những thăng trầm, những cạm bẫy của cuộc đời. Thánh nữ viết:
Đối với tôi, để trở thành người tử tế, tôi cần có Cha Mẹ đạo đức và biết kính sợ THIÊN CHÚA. Và đó là điều Chúa đã thương ban cho tôi, mặc dầu tôi bất xứng. Thân phụ tôi rất thích đọc các tác phẩm hay, viết bằng tiếng Tây Ban Nha, và bảo chúng tôi phải đọc những sách này. Trong khi thân mẫu chuyên cần dạy chúng tôi cầu nguyện, yêu kính Đức Mẹ MARIA và một vài vị thánh. Tất cả chăm sóc ấy gieo vào lòng tôi những tâm tình đạo đức, ngay từ thời thơ ấu, tức là năm tôi lên 6, lên 7. Tôi được giáo dục thật chu đáo bởi Cha Mẹ hiền đức. Hai vị không yêu thích gì khác ngoài việc thực hành các nhân đức.
Nhân đức của Cha Mẹ tôi nhiều vô kể. Chẳng hạn thân phụ tôi rất có lòng thương người nghèo, người đau ốm và các tôi tớ giúp việc trong nhà. Lòng thương các đầy tớ lớn lao đến độ, không bao giờ thân phụ tôi chấp nhận sự việc có các nô lệ trong nhà. Khi người nô lệ của chú chúng tôi đến ở trong nhà chúng tôi, Ba tôi thương yêu chăm sóc như một người con trong gia đình. Ba tôi nói: “Chỉ nguyên ý nghĩ cô ta là người không được tự do, đủ làm cho Ba thương xót cô ta khôn cùng”. Một đức tính khác trổi vượt nơi thân phụ tôi là lòng ngay chính, trung thực. Ba tôi không bao giờ chửi thề hay nói lời khinh bỉ.
Về phía thân mẫu thì Mẹ tôi cũng có nhiều đức tính quý báu. Nổi bật nhất là tính đoan trang trong sạch. Mẹ tôi có sắc đẹp nghiêng thành đổ nước nhưng không bao giờ Mẹ ăn mặc hoặc trang điểm gì thêm để lôi kéo người khác chú ý đến sắc đẹp của mình. Và mặc dầu tuổi còn trẻ, Mẹ đã ăn mặc kín đáo và giản dị như một phụ nữ cao tuổi, cho đến năm Mẹ lìa đời, hưởng dương 33 tuổi. Mẹ tôi rất hiền dịu và không bao giờ to tiếng cãi cọ hoặc tranh chấp với ai. Cuộc đời trần thế của Mẹ tuy ngắn ngủi nhưng Mẹ trải qua nhiều thử thách cam go, đặc biệt là suốt đời Mẹ mang bệnh. Thân mẫu tôi từ trần trong hương thơm thánh thiện.
Tôi còn nhớ như in ngày Mẹ qua đời. Năm đó tôi lên 12 hoặc 14 tuổi. Khi ý thức rằng tôi vĩnh viễn mất Mẹ ở đời này, lòng tôi vô cùng đau xót. Nước mắt dàn dụa, tôi đến quỳ gối trước tượng ảnh Đức Mẹ MARIA và khẩn nài xin Đức Mẹ hãy làm Mẹ tôi. Đây là cử chỉ hoàn toàn ngây thơ nhưng thật sự giúp tôi rất nhiều, suốt trong cuộc đời mồ côi mẹ của tôi. Đức Mẹ MARIA trở thành Người Mẹ thật của tôi, bởi vì tôi luôn chạy đến kêu cầu với Đức Mẹ, cũng như Đức Mẹ đã đưa tôi trở về với THIÊN CHÚA, sau những năm tháng sống bất trung của tôi.
Thời thơ ấu, sống nơi mái ấm gia đình, tôi đã theo gương thân phụ, ưa thích làm phúc cho người nghèo. Nhưng điều này hơi khó vì trẻ thơ không có tiền. Nhưng có một điều tôi làm được và làm rất dễ dàng, đó là tìm nơi thanh vắng để đọc tất cả những kinh tôi thuộc, đặc biệt là lần hạt Mân Côi. Đây là lời kinh do chính Mẹ tôi dạy. Mẹ tôi rất có lòng yêu mến Đức Mẹ MARIA và đã thông truyền cho chúng tôi lòng kính mến này. Rồi khi chơi đùa với các trẻ gái cùng tuổi, tôi thường rủ các bạn chơi trò làm các bà dòng Kín, sống nơi các đan viện. Chúng tôi giữ thinh lặng, hoặc nói năng đoan trang, hoặc cùng nhau đọc kinh lần hạt. Hình như tôi có lòng ao ước trở thành nữ tu Nhà Kín ngay từ thời thơ trẻ.
Quả thật, tôi nhận được hồng ân lớn lao từ THIÊN CHÚA. Ngài cho tôi Cha Mẹ đạo đức, chỉ luôn mong muốn và dạy dỗ con cái những điều lành, điều thánh. Sau này, trong cuộc đời, tôi đã có lần bất trung với Chúa. Nhưng đó là hoàn toàn do lỗi của tôi, chứ tôi không có quyền trách cứ Cha Mẹ vì bất kỳ lý do gì.
... ”Thương con thì cho roi cho vọt, sau này sẽ vui sướng vì con. Ai biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con, và được hãnh diện với những người quen biết. Ai biết dạy dỗ con mình sẽ khiến kẻ thù phải phát ghen, và sẽ được sung sướng trước mặt bạn bè. Người cha có chết thì cũng như chưa chết, vì đã để lại đứa con giống như mình. Khi còn sống, ông nhìn con mà vui sướng, giờ chết đến, sẽ không phải buồn phiền” (Huấn Ca 30,1-5).
(”THÉRÈSE D'AVILA, Oeuvres Complètes, Desclée de Brouwer, 1964, trang 14-17)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Lop du truong mua

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

SUY NIỆM

CHIA SẺ

Hoạt Động Hội Đoàn

 
HERDIANSYAH.NET
© Copyright TNTT Gx Tân Lộc - Xứ Đoàn Phê-rô Nguyễn Khắc Tự 2010 -2011 | Design by Herdiansyah Hamzah | Published by Borneo Templates | Powered by Blogger.com Chỉnh sử bởi Khát Vọng.